Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Tổng hợp tin tức nổi bật trong tuần 2 tháng 1





1. Nguồn cung căn hộ Tp.HCM tăng gấp đôi trong 12 tháng


Quý 4/2014 là quý có số lượng căn hộ chào bán mới cao nhất trong năm 2014 với 18 dự án, gồm 6.760 căn. Trong cả năm 2014 có 15.000 căn hộ được bán ra, tăng gấp đôi năm 2013 và tăng gấp 4 lần năm 2012, theo báo cáo mới công bố của CBRE.

Nguồn cung căn hộ tại Tp.HCM đột ngột tăng mạnh trở lại
 Theo đơn vị tư vấn này, số lượng dự án chào bán dàn trải đều trên khắp thành phố, tuy nhiên, quận 2 vẫn là nơi tập trung nguồn cung căn hộ nhiều nhất, điển hình là khu Thảo Điền, An Phú, An Khánh.

Dù nguồn cung căn hộ tăng mạnh trong năm qua nhưng tỷ lệ hấp thụ trên thị trường vẫn đạt mức ổn định với khoảng 40%. Phân khúc cao cấp cho thấy sự chuyển biến rất tích cực trong quý khảo sát với tỷ lệ tiêu thụ cao, đặc biệt ở các dự án mới chào bán. Dự án Scenic Valley (block D2 và E1) đạt tỷ lệ bán 100% tổng lượng chào bán vào ngày chào bán trong khi dự án Masteri Thảo Điền nhanh chóng đạt tỷ lệ bán khoảng 85% trong tổng số 1.449 căn chào bán trong vòng hai tháng. Nhờ vào tỷ lệ bán cao của các dự án mới chào bán gần đây, tỷ lệ tiêu thụ của phân khúc cao cấp đạt khoảng 60%. Theo sau phân khúc này là phân khúc bình dân với 35%.

2. Người dân lo mất tiền khi ĐBQH Châu Thị Thu Nga bị bắt


Sau khi bà Châu Thị Thu Nga, Đại biểu Quốc hội khóa 13, Chủ tịch Công ty Housing Group bị cơ quan công an bắt tạm giam, không ít khách hàng trót đổ tiền vào dự án B5 Cầu Diễn lo mất số tiền đã nộp mua nhà.

Dự án B5 Cầu Diễn- Kenhtintucbatdongsan.info
Khách hàng trót đổ tiền vào dự án B5 Cầu Diễn lo mất số tiền đã nộp
 Sau khi bà Châu Thị Thu Nga bị bắt, điều chúng tôi lo lắng nhất là tiền đã góp vào dự án B5 Cầu Diễn có được trả lại không? Trả như thế nào? Nếu có nhà đầu tư khác vào xây dựng thành công dự án này thì quyền lợi mua căn hộ của khách hàng như chúng tôi sẽ được đảm bảo ra sao...? Đây là câu hỏi rất nhiều khách hàng góp vốn vào dự án B5 Cầu Diễn đặt ra khi phản ánh với Thanh Niên sau khi báo chí thông tin Đại biểu Quốc hội của Đoàn Hà Nội, bà Châu Thị Thu Nga bị bắt tạm giam.

Một số khách hàng cho hay, thời điểm họ xem xét ký hợp đồng góp vốn mua căn hộ tại dự án B5 Cầu Diễn, Công ty Housing Group quảng bá dự án này có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, gồm 6 tổ hợp chung cư cao trên 40 tầng, với gần 2.000 căn hộ, thủ tục pháp lý đã hoàn tất đầy đủ.

3. Hà Nội: Parkson tại tòa nhà Keangnam 72 tầng đột ngột đóng cửa


Trung tâm thương mại Parkson Keangnam Landmark ở Hà Nội đột ngột tuyên bố đóng cửa, yêu cầu những người thuê mặt bằng kinh doanh tại trung tâm thương mại đặt tại tòa nhà cao nhất Hà Nội với 72 tầng này phải dọn hết hàng hóa, đồ đạc ngay trong đêm 3-1.

Parkson đột ngột thông báo đóng cửa - Kenhtintucbatdongsan.info
TTTM Parkson Keangnam Landmark đột ngột thông báo đóng cửa
 Cho tới sáng 4-1, nhiều tiểu thương kinh doanh tại trung tâm thương mại (TTTM) Parkson Keangnam Landmark (đường Phạm Hùng, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) vẫn phải tiến hành dọn nốt hàng hóa, trang thiết bị khỏi bên ngoài tòa nhà cao nhất ở Hà Nội với 72 tầng.

Trước đó, ngày 3-1, TTTM Parkson Keangnam Landmark đột ngột thông báo đóng cửa, yêu cầu các chủ cửa hàng thuê mặt bằng tại TTTM hạng sang này ở Hà Nội phải chuyển hết đồ ra ngoài ngay trong đêm cùng ngày.

4. Sai phạm đất đai ở Bình Dương: Hơn 1.500 tỷ đồng phải xử lý, 15 cơ quan chịu trách nhiệm


Quản lý đất Bình Dương - kenhtintucbatdongsan.info
Ảnh minh họa
Kết luận trên đã được Thủ tướng Chính phủ (TTCP) thông qua và Thanh tra Chính phủ (TTrCP) công bố đầu tháng 12-2014. Đã có nhiều cuộc thanh kiểm tra liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai xảy ra tại Bình Dương (BD) nhưng việc xử lý chưa đến nơi đến chốn. Chính vì thế nên lần này, dư luận mong chờ lãnh đạo tỉnh BD khẩn trương chỉ đạo xử lý nghiêm các đơn vị sai phạm cũng như trách nhiệm của cá nhân liên quan.

 Có hàng chục dự án (DA) vi phạm đã được phát hiện, TTrCP kết luận số tiền thất thoát lên đến 156,55 tỷ đồng, liên quan đến trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị.


5. Hà Nội dự kiến thu 2.200 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất


Năm 2015, Hà Nội xác định công tác đấu giá quyền sử dụng đất là một trong nhưng nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách.

Đấu giá quyền sử dụng đất - kenhtintucbatdongsan.info
                                                                                           Ảnh minh họa                                                                                                 
Do đó, thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai đồng bộ một số giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đấu giá quyền sử dụng đất. Hà Nội dự kiến thu 2.200 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất trong năm 2015.

Để đạt được kết quả trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề xuất thành phố và các địa phương ngay từ đầu năm phải cân đối, bố trí đủ nguồn vốn chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng đối với các dự án chuyển tiếp; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hạ tầng kỹ thuật các khu đất tổ chức đấu giá theo quy định.

6. Khánh thành 4 công trình trọng điểm gần 2 tỷ USD


 Sáng 4/1, cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, nhà ga T2 và nhà khách VIP (sân bay Nội Bài) với tổng vốn đầu tư hơn 38.600 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD) được khánh thành tạo diện mạo mới cho cửa ngõ quốc tế của thủ đô Hà Nội.

Nhà ga T2 được thiết kế với ý tưởng hài hòa với thiên nhiên,
 tiết kiệm năng lượng; có các hệ thống thiết bị hàng không tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế
Sau 3 năm xây dựng, nhà ga T2 với tổng mức đầu tư gần 18.000 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản đã hoàn thành đúng tiến độ. Dự án nhằm giải quyết tình trạng quá tải tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài hiện nay với công suất phục vụ 10 triệu hành khách mỗi năm. Ngày cao điểm sẽ phục vụ tới 30.000 hành khách với 230 lượt cất hạ cánh.

Cạnh nhà ga T2 là nhà khách VIP A có diện tích 5.000 m2 sẽ là nơi đón tiếp các đoàn lãnh đạo đi thăm các nước, cũng như đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao của các nước đến thăm Việt Nam theo nghi thức ngoại giao quốc tế.

Cũng trong ngày 4/1, Bộ Giao thông Vận tải khánh thành cầu Nhật Tân nằm trên vành đai 2 Hà Nội sau 5 năm xây dựng.

Nhật Tân - cầu dây văng dài nhất bắc qua sông Hồng (nối huyện Đông Anh và quận Tây Hồ) có tổng vốn đầu tư 13.626 tỷ đồng. Phần cầu chính dài 3,7 km với thiết kế dây văng liên tục 5 trụ tháp, phần đường dẫn dài 5,1 km rộng 60 m với 4 làn xe.

Cầu Nhật Tân đi vào hoạt động, giúp rút ngắn quãng đường từ trung tâm Hà Nội tới sân bay Nội Bài.

Nhật Tân là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới, được áp dụng công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống quan đo lực căng cáp văng, đo ứng suất cốt thép, dầm thép… được áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam. Cây cầu này không chỉ phục vụ các phương tiện giao thông mà còn trở thành điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan khu vực cửa ngõ phía bắc của thủ đô Hà Nội.

Tuyến đường Võ Nguyên Giáp - kenhtintucbatdongsan.info
Đường Võ Nguyên Giáp dài 12 km, bắt đầu từ cầu Nhật Tân tới sân bay Nội Bài
Kết nối đồng bộ từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài là đường Võ Nguyên Giáp (đường Nhật Tân - Nội Bài) cũng được khánh thành sau 3 năm xây dựng. Tuyến đường dài 12 km với chiều rộng 80-100 m, phục vụ 6 làn xe với vận tốc tối đa 80 km/h, 2 đường gom cho xe máy, xe thô sơ với vận tốc tối đa 40 km/h, có tổng vốn đầu tư hơn 6.700 tỷ đồng.

                                                                                                                       Nguồn: Cafeland
                                                                    Biên tập lại bởi Nguyễn Dung - Kenhtintucbatdongsan

0 nhận xét:

Đăng nhận xét