Mặc dù mới được đưa vào hoạt động nhưng nhiều trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội như Grand Plaza, Trung tâm Thương mại Hàng Da, …đã nhanh chóng phải đóng cửa, tái cơ cấu hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động do ế khách.
Theo báo cáo của các đơn vị tư vấn, câu chuyện đầu tư trung tâm thương mại của các đại gia bất động sản xem ra thất bại thảm hại khi lần lượt nhiều trung tâm phải đóng cửa vì ế khách.
Đầu tiên, trung tâm Thương mại Hàng Da Galleria (chợ Hàng Da cũ) chính thức đóng cửa vì vắng khách thuê với lời thông báo "tái cấu trúc để nâng cấp, sửa chữa mới trung tâm thương mại theo mô hình mới". Ngoài ra, 3 siêu thị điện máy tại Ba Đình, Hà Đông và Đống Đa phải đóng cửa.
Trung tâm thương mại Grand Plaza (Trần Duy Hưng, Hà Nội) từng được ví như thiên đường mua sắm của Hà Nội, sau 2 năm hoạt động, Grand Plaza phải đóng cửa vì ế ẩm, chủ đầu tư và khách thuê không thống nhất được giá và các loại phí dịch vụ.
Trung tâm thương mại Mipec Mall cũng vừa tái cơ cấu lần 2 khi cho nhà bán lẻ Lotte Mart (Hàn Quốc) thuê toàn bộ diện tích 4 sàn thương mại (khoảng 20.000m2) của trung tâm thương mại Mipec Mall (Pico Mall trước đây).
Cũng là một TTTM lớn, với diện tích lên đến 30.000 m2, lại nằm tại vị trí thuận lợi của Hà Nội, gần kề với Parkson Thái Hà, TTTM Picomall có nhiều điều kiện để trở thành một trung tâm mua sắm, giải trí bậc nhất tại Hà Nội. Sau gần 1 năm khai trương, Picomall còn không ít gian hàng trống.
Mới đây nhất, Trung tâm thương mại Parkson Keangnam Land Mark Tower (Phạm Hùng, Từ Liêm) cũng đóng cửa tạm thời ngay những ngày đầu năm mới 2015. Hàng trăm hộ kinh doanh bất ngờ khi bị đẩy ra đường.
Lý giải nguyên nhân đóng cửa trung tâm thương mại này, trong thông báo của Công ty TNHH Parkson Hà Nội do ông Tiang Chee Sung, Tổng Giám đốc ký cho rằng, kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu như kế hoạch đề ra.
"Chúng tôi rất tiếc khi phải thông báo đến quý đối tác rằng toàn bộ TTTM Parkson Landmark sẽ ngừng hoạt động kinh doanh ngay lập tức” báo cáo ghi rõ
Không chỉ các trung tâm thương mại đã đi vào hoạt động đóng cửa mà ngay cả những dự án chỉ mới trong giai đoạn “thai nghén” cũng đã bị chết yểu. Như, dự án Ciputra Hanoi Mall trong khuôn viên Dự án Ciputra Hanoi (quận Tây Hồ). Khởi công từ cuối năm 2010, sau khi hoàn thành phần hầm móng, Dự án đã bỏ hoang cho đến nay. Đây là khu Trung tâm Thương mại có diện tích thiết kế lớn nhất Hà Nội (130.000 m2), do Tập đoàn Ciputra (Indonesia) làm chủ đầu tư….
Những năm trước, mặt bằng bán lẻ được coi là “gà đẻ trứng vàng” và được nhiều chủ đầu tư cả trong nước và nước ngoài giành giật thị phần phân khúc này trên thị trường khi “đổ xô” xây dựng các trung tâm thương mại. Bởi vì, họ đặt niềm tin vào thị trường bán lẻ tiềm năng ở Việt Nam sẽ phát triển trong tương lai gần.
Tuy nhiên, thời gian gần đây thị trường bán lẻ đang gặp rất nhiều khó khăn. Bằng chứng là một số dự án mặt bằng bán lẻ ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã phải đóng cửa vì không có khách thuê và sự “ra đi” của các thương hiệu bán lẻ lớn quốc tế và trong nước tại các trung tâm thương mại, vì kết quả kinh doanh không khả quan khi người tiêu dùng “thắt chặt hầu bao”. Kéo theo đó, công suất thuê mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội và TP HCM đều rất thấp.
Theo cảnh báo của công ty TNHH CBRE, tỷ lệ trống mặt bằng bán lẻ liên tiếp tăng trong các quý gần đây, chỉ số diện tích thực thuê mới bị âm phản ánh thực tế khách thuê không hài lòng với mức giá mà các trung tâm thương mại đang áp dụng, vốn không tương đồng với số lượng khách mua sắm mà những trung tâm này có thể thu hút được.
Các nhà bán lẻ đang di chuyển ra khỏi các trung tâm thương mại để tìm đến những mặt bằng giá rẻ hơn. Loại hình cho thuê nhà phố thương mại vẫn chiếm lĩnh thị trường nhờ vào nguồn mặt bằng sẵn có và giá thuê thấp hơn. Sự hồi phục của nền kinh tế thường kéo theo thị trường bán lẻ khởi sắc, chìa khóa thành công hiện nay của chủ đầu tư là linh hoạt đáp ứng nhu cầu của nhà bán lẻ.
Nguồn: vnmedia
Biên tập bởi Nguyễn Dung - Kenhtintucbatdongsan
0 nhận xét:
Đăng nhận xét