Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội vùng chuyển dân Sông Đà - Hòa Bình giai đoạn 2009 - 2015

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh phạm vi, mục đích và thời gian thực hiện đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội vùng chuyển dân Sông Đà, tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009 - 2015.
sông Đà, tỉnh Hòa Bình - kenhtintucbatdongsan.info
Ảnh minh họa
Theo quyết định mới, Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà, tỉnh Hòa Bình sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2009 - 2020 thay vì chỉ đến năm 2015.

Phạm vi đề án cũng được mở rộng hơn, áp dụng cho 40 xã, bao gồm: 36 xã, phường thuộc Đề án cũ và 4 xã bổ sung, gồm: Yên Nghiệp (huyện Lạc Sơn), Bảo Hiệu (huyện Yên Thủy), Đồng Tâm (huyện Lạc Thủy), Mỹ Hòa (huyện Kim Bôi).

Trước đó, theo Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 9/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà, tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009 - 2015 được thực hiện tại 36 xã, phường thuộc 5 huyện (Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong, Kim Bôi) và thành phố Hoà Bình, trong đó: 26 xã, phường nằm trong vùng hồ sông Đà; 10 xã ngoài vùng hồ sông Đà trực tiếp đón nhận và bố trí tái định cư hộ dân vùng hồ sông Đà.

Mục tiêu chung của Đề án là đảm bảo ổn định nơi ở của nhân dân, nâng cao đời sống và thu nhập cho nhân dân, đảm bảo không còn hộ có nguy cơ tái đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo bằng mức bình quân chung của tỉnh; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề ở nông thôn; đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng theo tiêu chí nông thôn mới; nâng tỷ lệ độ che phủ rừng, đảm bảo chức năng phòng hộ cho hồ thủy điện Hòa Bình, bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là hoàn thành công tác di dân ra các điểm khu tái định cư tập trung (khoảng 300 hộ) và ổn định dân cư xen ghép tại các xóm, bản thuộc các xã vùng hồ (khoảng 1.200 hộ); phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, đẩy mạnh công nghiệp hóa và áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng giảm giá thành sản phẩm.

Đề án sẽ tập trung huy động các nguồn vốn để phát triển sinh kế bền vững như: Trồng rừng sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông và trên hồ theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa... với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng hơn 4.053 tỷ đồng.


                                                                                                                  Nguồn: Diễn đàn đầu tư
                                                                       Biên tập lại bởi Nguyễn Dung - kenhtintucbatdongsan

0 nhận xét:

Đăng nhận xét